Không ít tài xế phải đau đầu khi xe gặp sự cố dọc đường, đặc biệt là trên cao tốc hay những đoạn đường vắng. Nổ lốp, mất phanh, mất trợ lực lái, hết nhiên liệu, động cơ quá nóng, xe chết máy… là những lỗi hỏng hóc các lái xe thường xuyên gặp phải.

Điều kiện thời tiết, mưa lớn, sương mù… cũng khiến nhiều xe buộc phải “nằm’ đường. Trong trường hợp đó, gọi cứu hộ luôn là giải pháp các tài xế nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên có không ít trường hợp các tài xế than trời vì bị chặt chém cứu hộ và sửa chữa ô tô.

Mới nhất là vụ bán tải Chevrolet Colorado lao xuống ruộng của anh Dương Văn Thường (Hà Nội) phải gọi Trung tâm cứu hộ 118 nhưng bị chặt chém với hóa đơn 20 triệu đồng cho quãng đường kéo cẩu xe 60km, đắt gần 5 lần giá thị trường khiến nhiều người bức xúc. Không những thế, lúc đến garage, chi phí báo khắc phục xe ngập nước bẩn còn được báo giá lên đến 30-40 triệu đồng.

{keywords}
Hình ảnh chiếc Chevrolet Colorado của anh Thường  bị chặt chém giá cứu hộ.

Cũng phản hồi đến báo VietNamNet về tình trạng bị chặt chém giá cứu hộ ô tô, anh Cao Thắng ở Hà Nội cho biết: “Tôi cũng là nạn nhân từng choáng váng trước sự ép giá và chờ đợi đến 6 tiếng mới mang được xe về gara ở Hà Nội vì đã trót gọi điện cho Trung tâm cứu hộ 118″.

Theo anh Thắng phản ánh, dù đã thông báo là 7 chỗ và gửi kèm ảnh chi tiết chụp quanh xe tai nạn nhưng trung tâm này chỉ đưa xe cứu hộ nhỏ tới, đòi phí 7 triệu với lý do vì trời hơi mưa và tư vấn đưa xe về gara của mình để sửa xe.

“Đi được 1 đoạn xe tôi tan 1 lốp và chuẩn bị nát 1 la-răng. Tôi bảo nên dừng lại điều xe to lên vì xe tôi 7 chỗ. Họ đồng ý với điều kiện tôi phải thêm 2,5 triệu. Tôi đành ngậm ngùi chấp thuận và tiếp tục ngồi đợi. Đợi tiếp 3 tiếng sau có 1 xe tới thay thế và vẫn là xe bé”, anh Thắng cho hay.

“Tôi đành gật đầu! Người ta có thể ép chẹt người bị tai nạn, bắt người bị nạn đợi gần 6 tiếng trong trời mưa rét giữa đường cao tốc với câu trả lời lặp lại “Anh đợi đi, xe đang đến rồi”. Chưa kể còn chặt chém về giá cứu hộ xe của tôi”, độc giả này cho hay.

Trước đó vào khoảng tháng 5/2017, nhiều lái xe đã “tố” gara ở Mạnh Sơn ở Hà Nội chặt chém giá dịch vụ khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, nhiều tài xế phản ánh rằng tất cả các trường hợp phương tiện ô tô gặp nạn trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đều được nhân viên cứu hộ đưa xe về gara Mạnh Sơn và giới thiệu là nơi gần nhất vị trí xe gặp nạn.

Đơn cử như trường hợp của chủ xe Lê Cường (quê Nghệ An) bị chặt chém khá “đẹp”. Đầu tiên, anh bị nhân viên cứu hộ thổi giá dầu từ 300.000 đồng lên đến giá 700.000 đồng. Sau đó, đến gara Mạnh Sơn trên đường Ngọc Hồi để sửa chữa, anh được báo giá tiền sửa chữa hết tổng cộng 8 triệu đồng, gồm: tiền công cẩu máy là 5,5 triệu đồng; tiền xử lý lỗi 2,5 triệu đồng và tiền dầu 500 nghìn đồng. Trong khi đó, một người bạn chuyên sửa chữa ô tô của anh Cường thông báo với mức giả chỉ bằng 1 nửa con số trên. Tiền cẩu máy chỉ 2 triệu đồng.

{keywords}
Anh Lê Cường bức xúc chia sẻ thông tin về sự việc bị chặt chém giá sửa chữa xe.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Thanh Tùng (30 tuổi, quê Quảng Ninh) cũng bị nhân viên gara Mạnh Sơn tự ý bổ máy và “chặt chém” không thương tiếc. Được biết anh Tùng bị gara “giam xe” hơn 1 tháng và phải thanh toán hóa đơn sửa chữa lên đến hơn 77 triệu đồng.

Cũng là nạn nhân của gara Mạnh Sơn này, anh Nguyễn Thanh Tùng (Quảng Ninh) cũng dẫn ví dụ của mình, cuối tháng 10/2016, khi chiếc xe Camry đời 2008 của anh đang lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thì gặp một va quệt giao thông. Cú va chạm khiến két nước, nắp capo và kính trước bị hỏng hóc. Ngay sau đó, anh Tùng được tổng đài cứu hộ giới thiệu đưa về gara Mạnh Sơn để sửa chữa.

Mặc dù chưa đồng ý sửa chữa nhưng gara ô tô này đã tự ý bổ máy với hóa đơn thông báo là hơn 100 triệu đồng. Anh Tùng thương lượng mãi mới được giảm chút ít và phải trả 80 triệu đồng.

Cuối tháng 9/2014, vụ tài xế Phạm Dương phản ảnh bị “cò” cứu hộ “chặt chém” trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng gây nhiều bức xúc. Khi xe bị hỏng, anh Dương gọi số đường dây nóng cắm trên cao tốc nhờ cứu hộ thì được liên tiếp 2 số điện thoại di động gọi đến báo giá dịch vụ cao bất thường.

{keywords}
Tài xế tố bị “cò” cứu hộ “chặt chém” trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai

Anh Dương từ chối sửa chữa và đã chủ động liên hệ với một cửa hàng sửa chữa gần đó với chi phí chỉ bằng 1/5 so với báo giá khi gọi đường dây nóng.

Y Nhụy (tổng hợp)